Khi đi kiểm tra mắt định kỳ hoặc thăm khám mắt khi thấy khả năng nhìn của mắt bị hạn chế, nhìn mờ, tầm nhìn đôi, không nhìn rõ các vật ở khoảng cách xa… các bác sĩ chuyên khoa thường chỉ định đo khúc xạ mắt. Cũng chính vì vậy mà không ít bạn thắc mắc không biết đo khúc xạ mắt để làm gì và đo như thế nào?
Đo khúc xạ mắt là gì?
Đo khúc xạ mắt là kỹ thuật kiểm tra khả năng tập trung ánh sáng của mắt, giúp xác định tình trạng thị lực và độ cong của giác mạc. Từ đó, bác sĩ có thể chẩn đoán các tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị và lão thị.
Tại sao cần đo khúc xạ mắt?
- Phát hiện sớm tật khúc xạ: Đo khúc xạ giúp phát hiện sớm các tật khúc xạ, đặc biệt ở trẻ em, để có phương pháp điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến thị lực sau này.
- Chọn kính phù hợp: Kết quả đo khúc xạ giúp bác sĩ xác định độ cận, viễn, loạn thị chính xác, từ đó tư vấn loại kính phù hợp để cải thiện thị lực.
- Theo dõi tiến triển của bệnh: Đối với những người đã điều trị tật khúc xạ bằng kính hoặc phẫu thuật, đo khúc xạ giúp theo dõi tiến triển của bệnh, đảm bảo hiệu quả điều trị.
- Phát hiện các bệnh lý về mắt: Đo khúc xạ có thể giúp phát hiện các bệnh lý về mắt khác như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể,…
Ai cần đo khúc xạ mắt?
- Trẻ em từ 6 tuổi trở lên: Nên cho trẻ đi khám mắt định kỳ và đo khúc xạ để phát hiện sớm các tật khúc xạ, đặc biệt là trẻ có nguy cơ cao như: bố mẹ bị cận thị, viễn thị,…
- Người trưởng thành: Nên đi đo khúc xạ 6 tháng một lần để kiểm tra thị lực và phát hiện sớm các tật khúc xạ.
- Người có các dấu hiệu sau:– Nhìn mờ, nhìn lóa: Nếu trong khoảng cách 10 bước bạn không nhìn rõ người đối diện hoặc không nhìn rõ chữ ở khoảng cách gần, khả năng cao bạn đã mắt tật khúc xạ cận thị hoặc viễn thị cần đi đo khúc xạ mắt, kiểm tra thị lực.
– Khó nhìn vào ban đêm: Nếu tầm nhìn của bạn bị suy giảm, trở nên mờ đục vào ban đêm mặc dù bạn đã đeo kính điều chỉnh khúc xạ có thể cho thấy thị lực của bạn đang suy giảm, mắt có dấu hiệu của một bệnh lý về mắt nào đó cần thăm khám, kiểm tra đo khúc xạ sớm để có các biện pháp điều trị kịp thời.
– Nhạy cảm với ánh sáng: Nếu mắt bạn có cảm giác khó chịu và cần nhiều thời gian để thích nghi khi từ trong bóng tối nhìn ra ánh sáng thì có khả năng là do các cơ mống mắt đang có dấu hiệu co giãn và suy yếu do tuổi tác hoặc vấn đề về thị lực, cần thăm khám đo khúc xạ để kết luận chính xác.
– Mỏi mắt: Thời gian hoạt động của mắt đột nhiên giảm mạnh so với trước, nếu trước bạn có thể duy trì hoạt động mắt như xem máy tính, đọc sách trong 1 tiếng nhưng hiện tại chỉ 20 phút đã thấy đau mỏi mắt, mắt chớp liên tục, thường xuyên nheo mắt thì nên đi kiểm tra thị lực, tật khúc xạ.
– Trước khi phẫu thuật lasik điều trị tật khúc xạ: Những bạn có ý định thực hiện phẫu thuật điều trị tật khúc xạ, cần phải thăm khám, đo độ khúc xạ mắt, đo bề dày giác mạc… để đảm bảo có đủ điều kiện phẫu thuật hay không.
– Đã từng can thiệp phẫu thuật điều trị tật khúc xạ: Với những bạn đã từng phẫu thuật điều trị cận thị, viễn thị và loạn thị, định kỳ 6 tháng/1 lần nên đi thăm khám, đo khúc xạ mắt để kiểm tra, xác định thị lực mắt có ổn định sau phẫu thuật hay không.
– Người có tật khúc xạ: Cần khám mắt, kiểm tra tật khúc xạ định kỳ để kiểm soát độ cận, viễn, loạn, thay kính phù hợp nhằm cải thiện thị lực một cách tốt nhất. Việc đeo kính đúng độ sẽ giúp ổn định thị lực, hạn chế tình trạng mắt phải điều tiết quá nhiều dẫn đến mỏi, nhìn mờ. Ngoài ra, người trên 60 tuổi hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh tăng nhãn áp cũng nên kiểm tra khúc xạ hàng năm.
Quy trình đo khúc xạ mắt
- Đo thị lực: Bệnh nhân nhìn vào bảng thị lực ở khoảng cách nhất định và đọc các chữ cái.
- Đo khúc xạ bằng máy: Bệnh nhân nhìn vào máy đo khúc xạ và máy sẽ tự động đo độ cong của giác mạc và độ khúc xạ của mắt.
- Soi bóng đồng tử (nếu cần thiết): Đối với trẻ em dưới 9 tuổi hoặc những người có lực điều tiết lớn, bác sĩ có thể nhỏ thuốc giãn đồng tử và soi bóng đồng tử để xác định chính xác độ khúc xạ.
Lưu ý sau khi đo khúc xạ mắt:
- Tuân theo hướng dẫn của bác sĩ: Sử dụng kính theo chỉ định, tái khám định kỳ,…
- Bảo vệ mắt: Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử, đọc sách trong môi trường thiếu sáng,…
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Bổ sung vitamin A, lutein, zeaxanthin… tốt cho mắt.
Đo khúc xạ mắt là một bước quan trọng để bảo vệ sức khỏe đôi mắt. Hãy chủ động đi đo khúc xạ định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các tật khúc xạ, giữ gìn thị lực sáng khỏe.